Thêm 3 loại rau không chứa thuốc trừ sâu, được ví như "tiên dược", làm món ăn vừa ngon lại bổ khí huyết, lợi đường tiêu hóa
2025-01-07 13:03:38
Thêm 3 loại rau không chứa thuốc trừ sâu, được ví như "tiên dược", làm món ăn vừa ngon lại bổ khí huyết, lợi đường tiêu hóaĐây là 3 loại rau không sử dụng thuốc trừ sâu mà bạn có thể yên tâm dùng để chế biến các món ăn ngon cho gia đình mình nhé!
Khám phá 3 loại rau không chứa thuốc trừ sâu, bao gồm lá ngải cứu, lá mơ và lá lốt, để chế biến các món ăn vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe. Tận hưởng hương vị độc đáo từ các món ăn được làm từ các nguyên liệu này trong bữa cơm gia đình. Những loại rau này không chỉ an toàn mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, giúp bữa ăn của bạn thêm phần hấp dẫn và bổ dưỡng. Hãy thử ngay để cảm nhận sự khác biệt!
1. Ngải cứu - rau không chứa thuốc trừ sâu tự nhiên tốt cho sức khỏe
Ngải cứu còn gọi là cây thuốc cứu, ngải điệp, là loại thực vật thuộc họ Cúc Asteraceae. Đây cùng là một loại rau sống lâu năm và người dân trồng rất nhiều dùng để chế biến thức ăn và dược liệu. Cây ngải cứu sinh trưởng và phát triển rất dễ trong môi trường tự nhiên. Nó có vị đắng, mùi nồng nên côn trùng và sâu bọ không ăn. Do đó loại rau này thường không dùng thuốc trừ sâu trong quá trình chăm sóc.
Theo y học cổ truyền ngải cứu là một vị thuốc có vị cay, tính hơi ôn, dùng làm thuốc ôn khí huyết, trục hàn thấp, thổ huyết, chảy máu cam, tốt trong điều trị nhiều chứng bệnh của phụ nữ... Đây cũng là loại rau được ví von là "vua" của các loài thảo mộc bởi mùi thơm và công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ. Loại rau này có thể chế biến thành rất nhiều món ngon như gà tần ngải cứu, tim hầm ngải cứu, trứng tráng ngải cứu…
Món ăn gợi ý: Trứng tráng ngải cứu
Nguyên liệu cần chuẩn bị: 50g lá ngải cứu, 3 quả trứng gà, 1g gừng, 5g dầu ăn, 1g gia vị.
Cách làm món trứng tráng ngải cứu:
Bước 1: Rau ngải cứu bạn mua về nhặt sạch. Bạn nên chọn những lá ngải non để thành phẩm vừa ngon lại không bị quá đắng, dai. Sau đó rửa sạch rau ngải cứu và để ráo nước. Tiếp đó đặt nồi nước lên bếp, đun sôi rồi cho ngải cứu vào chần nhanh. Khi rau ngải cứu đổi màu xanh thẫm thì vớt ra, để ráo (hoặc chờ nguội thì nắm nhẹ để loại bỏ nước). Tiếp theo bạn cắt nhỏ ngải cứu và băm nhỏ gừng, cho vào bát tô, trộn đều.
Bước 2: Đập trứng vào bát rau ngải cứu, thêm chút gia vị rồi trộn đều. Đặt chảo lên bếp, thêm chút dầu ăn vào rồi đun nóng. Sau đó bạn cho trứng trộn ngải cứu vào, dàn đều và chiên trên mức lửa nhỏ cho đến khi hơi nâu. Lật mặt còn lại và tiếp tục chiên cho đến khi chín vàng nhẹ.
2. Lá mơ
Với mỗi người Việt, lá mơ (lá mơ lông) là một loại rau rất quen thuộc và sống nhiều năm. Lá mơ lông có chứa tinh dầu rất hăng và giàu vitamin C giúp cung cấp năng lượng đồng thời tăng cường sức để kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó lá mơ lông có chứa hoạt chất Sulfur dimethyl disulphide có tác dụng như một loại thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hại đường tiêu hóa. Cùng với hoạt chất Alkaloid có trong lá mơ lông cũng giúp chống lại quá trình oxy hóa, phòng ngừa bệnh tật. Bên cạnh đó nó cũng chứa nhiều hoạt chất kháng viêm có tác dụng trung hòa dịch vị dạ dày, chữa lành các tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Lá mơ lông có tính mát nên có tác dụng điều hòa khí huyết, cân bằng hệ tiêu hóa, giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng,…
Món ăn gợi ý: Lá mơ cuốn đậu phụ chiên giòn
Nguyên liệu cần có: Một nắm lá mơ, 100g bột chiên giòn, 1 quả trứng gà, 80ml nước, một chút bột nêm (tùy thích), lượng vừng trắng thích hợp, lượng dầu ăn thích hợp.
Cách làm món lá mơ cuốn đậu phụ chiên giòn
Bước 1: Cho bột chiên giòn, bột nêm vào tô, đập trứng gà, thêm nước rồi trộn đều để được hỗn hợp bột sánh sệt. Sau đó bạn cho vừng trắng vào, khuấy đều. Đậu phụ bạn cắt thành các lát có độ dày khoảng 1cm. Lá mơ rửa sạch, để ráo.
Bước 2: Bạn xếp lá mơ ra mặt phẳng, đặt đậu phụ lên rồi cuốn lại. Tùy thuộc vào lá to nhỏ mà bạn có thể dùng 1 hoặc 2 lá để gói kín. Sau đó bạn nhúng từng phần lá mơ cuốn đậu phụ vào tô bột chiên giòn rồi thả vào chảo dầu đã đun nóng để chiên đến khi chín vàng giòn.
Ảnh: Lee Hoa
3. Lá lốt
Lá lốt là một trong những loại rau quen thuộc và được dùng chế biến các món ăn trong bữa cơm gia đình của người Việt. Lá lốt rất giàu tinh dầu có mùi thơm đặc trưng nên sâu bọ và côn trùng khá "kị". Cũng vì lẽ đó mà lá lốt không bao giờ phải sử dụng đến thuốc trừ sâu trong quá trình sinh trưởng. Lá lốt giàu beta-caryophyllene - chất có khả năng chống viêm, giảm sưng đau hiệu quả. Lá lốt có thể dùng để chế biến nhiều hoặc là rau gia vị thêm vào các món ăn ngon. Bạn có thể dùng lá lốt để làm món thịt bò cuốn lá lốt, chả thịt cuốn lá lốt...
Món ăn gợi ý: Chả thịt cuốn lá lốt
Nguyên liệu cần có: 400g thịt heo xay, 2-3 cây hành lá, 2 củ hành tím, một nắm lá lốt khoảng 30 lá, gia vị, bột nêm, bột tiêu, lượng dầu ăn thích hợp.
Cách làm món chả thịt cuốn lá lốt:
Bước 1: Lá lốt rửa sạch để ráo. Cho hành tím, tỏi vào máy xay hoặc băm nhỏ. Hành lá rửa sạch, sau đó thái nhỏ. Cho các loại nguyên liệu đã sơ chế này vào tô đựng thịt băm, trộn đều. Sau đó bạn đặt lá lốt lên mặt phẳng, cho lượng nhân vừa phải vào rồi cuộn lại. Lần lượt làm cho đến khi hết nguyên liệu.
Bước 2: Cho dầu ăn vào chảo, đun nóng. Tiếp đó thả từng viên chả thịt cuốn lá lốt vào, chiên. Bạn lưu ý nên đặt phần mép lá lốt xuống mặt chảo trước để không bị bong. Lật và chiên đều chả khoảng 10-15 phút cho đến khi toàn bộ bề mặt lá lốt chuyển sang màu vàng nâu là được. Khi chả thịt cuốn lá lốt chín, bạn lấy ra cho vào giấy thấm dầu rồi mới xếp vào đĩa.
Như vậy thông qua bài viết này, chúng ta đã biết thêm được 3 loại rau (lá mơ, lá lốt, lá ngải cứu) không chứa thuốc trừ sâu mà bạn có thể dùng để nấu các món ngon cho gia đình như: Trứng tráng ngải cứu - Lá mơ cuốn đậu phụ chiên giòn - Chả thịt cuốn lá lốt. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm nhiều lựa chọn nguyên liệu an toàn, tốt cho sức khỏe gia đình mình.