Chuyên gia chia sẻ cách chế biến trứng gà ngon và bổ nhất
2025-01-07 13:06:03
Chuyên gia chia sẻ cách chế biến trứng gà ngon và bổ nhấtGĐXH - Quả trứng gà dễ ăn, dễ chế biến, nhưng dù khéo tay chế biến thành món ngon bổ dưỡng đến mấy thì vẫn có những người cần lưu ý khi ăn. Vì vậy, các nội tướng cần biết thêm kiến thức sau để cả nhà ăn đúng cách mới an toàn, bổ dưỡng.quả trứng, quả trứng luộc, món ngon với quả trứng, chế biến quả trứng ngon, quả trứng dinh dưỡng
Quả trứng gà ăn sao để tốt cho sức khỏe
Theo các nghiên cứu khoa học, quả trứng gà rất giàu chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin, glucid, lipid, vitamin, khoáng chất, các loại men, hormone… Đồng thời, thành phần dinh dưỡng trong những quả trứng khá cân đối, tốt cho sức khỏe.
Có rất nhiều món làm từ trứng gà rất ngon miệng. Nhưng, ăn trứng không đúng cách có thể khiến cơ thể tăng nguy cơ đột quỵ, xơ gan, tăng vọt mức cholesterol ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, tim mạch...
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tuỳ cách chế biến trứng mà tỷ lệ hấp thu cũng như tiêu hoá các chất dinh dưỡng có trong trứng có thể là khác nhau. Cụ thể:
- Ăn trứng sống thì tỷ lệ hấp thụ trứng của cơ thể khoảng 40%.
- Ăn trứng luộc tỷ lệ hấp thu 100%.
- Trứng rán lòng đào là 98,5%.
- Trứng chưng là 87,5%.
- Trứng ốp la đạt 85%
- Trứng rán chín già khoảng 81%
Bên cạnh đó, không nên ăn nhiều trứng gà trong thời gian ngắn bởi dễ gây đầy bụng, khó tiêu – nhất là trẻ nhỏ. Theo đó:
Trẻ 6 -7 tháng tuổi ăn 1/2 lòng trứng gà/bữa, ăn 2-3 lần mỗi tuần.
Trẻ 8-12 tháng tuổi ăn 1 lòng đỏ/bữa, ăn 3-4 bữa trứng/1 tuần.
Trẻ 1-2 tuổi ăn 3-4 quả trứng (cả lòng trắng) trong 1 tuần.
Trẻ 2 tuổi trở lên có thể cho ăn mỗi quả/ngày.
Cách chế biến trứng gà tốt nhất
Trên thông tin đại chúng, bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng) đã khuyên người dân không nên ăn trứng sống, trứng chưa chín, trứng tái trong các món cháo nóng, canh nóng. Những quả trứng cần luộc chín, hoặc nấu chín đề phòng nhiễm khuẩn... (bởi quá trình gia cầm đẻ trứng rất dễ nhiễm vi khuẩn cả trong và ngoài vỏ trứng - nhất là khuẩn salmonella có thể gây ngộ độc). Vì vậy, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe không nên ăn trứng sống, trứng chần tái.
Trứng gà rán, ốp la
Với món trứng gà rán, ốp la nên để lửa nhỏ cho món ăn vừa chín tới. Tránh để lửa to, vì như thế dễ xảy ra tình trạng trong lòng đỏ chưa chín, nhưng lòng trắng đã bị cháy, nhiều vitamin B1, B2... bị tiêu hủy, ăn vào sẽ gây khó tiêu.
Trứng gà luộc
Tốt nhất nên ăn trứng gà luộc chín tới bằng cách: Cho trứng vào nồi, đổ nước lã và thêm chút muối vào (như thế giúp vỏ quả trứng không bị vỡ), rồi đun sôi dần. Khi nước sôi hẳn thì vặn nhỏ lửa đun thêm 2 phút rồi tắt bếp. Ngâm những quả trứng thêm 5 phút sẽ có được những quả trứng luộc có lòng đỏ vừa chín tới. Như thế, những quả trứng giữ được nhiều protein, lipid, khoáng chất, các vitamin… và cơ thể dễ hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng.
Cách nhận biết quả trứng hỏng, không ăn
- Quả trứng đập ra có mùi bất thường, hôi thối, hay rất khó chịu.
- Vỏ trứng bị nứt rạn hoặc vỡ.
- Lòng trắng trứng biến thành chất lỏng - do lòng đỏ bị phân hủy, kết cấu lỏng lẻo, hoặc có màu xám.
Hoặc dùng nước để nhận biết trứng tươi hay cũ hỏng bằng cách thả trứng vào ly nước sạch và quan sát:
* Quả trứng tươi sẽ chìm và nằm yên ở đáy cốc.
* Quả trứng ở sát đáy cốc, nhưng hơi bồng bềnh là trứng gia cầm đã đẻ quá 1 tuần.
* Quả trứng thăng bằng trong nước với đầu nhọn quay xuống dưới, đầu to quay lên - là trứng đã cũ.
Quả trứng gà nổi hẳn trên mặt nước là đã hỏng, không nên ăn.
Người dân nên chọn những quả trứng tươi và sạch để bảo quản. Quá trình bảo quản hãy luôn kiểm tra, đảo trứng để đảm bảo chất lượng trứng thơm ngon, dinh dưỡng.
Ai cần tránh xa những quả trứng
Dù các nội tướng chế biến trứng gà thành món ngon bổ dưỡng đến mấy thì những người sau đây cứ ăn vào là bệnh càng thêm nặng. Theo hướng dẫn trên fanpage của BV Hồng Ngọc, một số trường hợp có thể mắc các bệnh như tim mạch, sỏi mật, tiêu chảy, sốt cần tránh ăn món trứng. Cụ thể:
Người bị bệnh tim mạch
Theo các nghiên cứu, ăn 3 quả trứng/ tuần có thể làm các mảng bám ở thành động mạch dày lên, thu hẹp, tắc nghẽn động mạch vành khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quị, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành.
Người bị sỏi mật
Người bị sỏi mật nếu ăn nhiều trứng đường ruột sẽ tiết nhiều chất làm co bóp túi mật, khiến túi mật bị bệnh phải làm việc quá tải, gây đau đớn, nôn ói… thậm chí sỏi theo túi mật co bóp mà di chuyển làm tắc dịch mật, gây ứ đọng dịch, đau thắt mật và viêm mật.
Người bị tiêu chảy
Nếu đang bị tiêu chảy mà ăn các món chế biến từ trứng sẽ làm mất đi tác dụng bổ dưỡng, mà càng tăng nặng tình trạng bệnh.
Người đang sốt
Những quả trứng giàu chất đạm dễ hòa tan và hấp thu vào cơ thể nên ăn vào sẽ tạo ra nhiệt lượng rất cao khiến người bị sốt thêm trầm trọng, rất khó hạ sốt.
Bên cạnh đó, để chế biến những quả trứng thành món ăn hợp lý, khoa học các nội tướng cần chú ý cho người thân ăn lượng trứng đúng theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng. Có như thế, mới giúp cơ thể hấp thụ tốt dưỡng chất trong quả trứng gà:
- Người trưởng thành khỏe mạnh ăn 1 quả trứng/ngày, có thể ăn trong 1 tuần.
- Người cao tuổi, sức khỏe tốt có thể ăn 1 quả trứng/ngày (nếu muốn).
- Phụ nữ có thai: Nếu sức khỏe tốt có thể ăn 3-4 quả trứng/tuần. Nếu mẹ bầu bị tiểu đường, hoặc có vấn đề sức khỏe thai kỳ cần có bác sĩ tư vấn ăn cho phù hợp.
- Người bị tiểu đường type 2: Ăn 1 quả trứng/ngày và 5 quả trứng/tuần.
- Bệnh nhân tim mạch, có nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Nếu đang theo chế độ ăn ít bão hòa có thể dùng 7 quả trứng/tuần. Nếu đang ăn uống bình thường thì chỉ ăn 3 - 4 quả trứng, và không ăn nhiều hơn 4 lòng đỏ/tuần.
- Nếu chỉ số cholesterol LDL cao có thể ăn 1 quả trứng/ngày, và ăn liên tiếp 7 ngày.
- Người mắc bệnh rối loạn chuyển hoá nên ăn ít hơn 6 quả trứng/tuần.
Chú ý là các nhà dinh dưỡng đều khuyên, để bảo vệ sức khỏe tốt nhất chỉ nên ăn tối đa 4 quả trứng/tuần.