Khách Tây thử đặc sản chưa tới 50.000đ ở Hạ Long: Muốn ăn phải xếp hàng, nhận xét 'nó thực sự hoàn hảo'

2025-01-07 13:07:10

Khách Tây thử đặc sản chưa tới 50.000đ ở Hạ Long: Muốn ăn phải xếp hàng, nhận xét 'nó thực sự hoàn hảo'Món ăn bình dân, giá rẻ, song có gì đặc biệt mà khiến vị khách nước ngoài phải thốt lên rằng "nó thực sự hoàn hảo"?

Bên cạnh những điểm đến, trải nghiệm hay nét văn hóa đậm bản sắc, du lịch Việt Nam tạo ấn tượng trong lòng các du khách nước ngoài còn bởi nền ẩm thực đa dạng và phong phú. Trong đó chủ yếu là những món bình dân, giá rẻ, mang hương vị độc đáo, khiến các thực khách phải khen ngợi.

Món ăn sau đây là một ví dụ như thế, là món đặc sản của phố biển Hạ Long nói riêng hay của tỉnh Quảng Ninh nói chung. Chàng du khách Mỹ Max McFarlin sau khi có cơ hội được thưởng thức món ăn này đã phải tâm đắc nhận xét rằng: "Nó thực sự hoàn hảo!".

Khách Tây thử đặc sản chưa tới 50.000đ ở Hạ Long: Muốn ăn phải xếp hàng, nhận xét "nó thực sự hoàn hảo" - Ảnh 1.

Du khách Mỹ Max McFarlin có niềm đam mê lớn với ẩm thực Việt (Ảnh Max McFarlin).

Đặc sản "muốn ăn phải xếp hàng" ở Hạ Long

Món đặc sản được chàng Mỹ và người bạn của mình thưởng thức chính là một món tưởng lạ mà quen - bánh cuốn chả mực. Trên thực tế, đây là một món khá phổ biến ở Hạ Long cũng như Quảng Ninh. Tuy nhiên theo lời chỉ dẫn từ nhiều người dân bản địa cũng như du khách có kinh nghiệm, Max chọn thưởng thức ở một cửa hàng có tuổi đời lâu năm, ẩn mình sâu trong một con ngõ nhỏ, thuộc địa bàn phường Hòn Gai.

Cũng bởi độ nổi tiếng không chỉ với khách du lịch mà còn với người bản địa, quán bánh cuốn chả mực này mỗi ngày đón rất đông khách. Khách đến sẽ không được vào ngồi bàn ăn ngay, thay vào đó sẽ cần xếp hàng, chờ tới lượt gọi món rồi mới có thể chọn chỗ ngồi và thưởng thức món ăn.

Khách Tây thử đặc sản chưa tới 50.000đ ở Hạ Long: Muốn ăn phải xếp hàng, nhận xét "nó thực sự hoàn hảo" - Ảnh 2.

Bánh cuốn chả mực - món đặc sản Hạ Long (Ảnh Báo Lao Động).

Khách Tây thử đặc sản chưa tới 50.000đ ở Hạ Long: Muốn ăn phải xếp hàng, nhận xét "nó thực sự hoàn hảo" - Ảnh 3.

Khung cảnh xếp hàng quen thuộc ở hàng bánh cuốn chả mực ở Hạ Long (Ảnh Thu Phương).

 Trong suốt thời gian đứng chờ tới lượt mình, Max cũng được tận mắt chứng kiến mọi công đoạn để làm ra một suất bánh cuốn chả mực của người Hạ Long. Mọi công đoạn như làm chả mực, nặn chả mực, rán chả mực hay tráng bánh cuốn đều được làm thủ công.

Cũng theo khung cảnh mà Max ghi lại, tất cả mọi người làm việc tại quán bánh cuốn này đều luôn bận rộn, còn các thực khách thì sẵn lòng đứng đợi cho đến khi tới lượt mình. "Quán ăn đường phố này rất náo nhiệt đông vui. Tôi đến vào lúc 10 giờ sáng thứ 2 nhưng vẫn rất đông đúc. Ở đây bàn ghế cứ có người đứng dậy là mình phải ngồi xuống liền không thì sẽ có người khác ngồi mất", Max nói thêm.

Khách Tây thử đặc sản chưa tới 50.000đ ở Hạ Long: Muốn ăn phải xếp hàng, nhận xét "nó thực sự hoàn hảo" - Ảnh 4.

Chàng du khách được chứng kiến mọi công đoạn làm ra món bánh cuốn chả mực khi đứng xếp hàng (Ảnh Youtube Max McFarlin).

Về cơ bản, phần bánh cuốn ở món bánh cuốn chả mực cũng giống đa phần các loại bánh cuốn ở những phiên bản khác. Yếu tố giúp món đặc sản Hạ Long này trở nên đặc biệt chính là chả mực. Với lợi thế là địa phương có nguồn hải sản dồi dào, người Hạ Long sẽ sử dụng mực tươi giã, băm nhỏ, nhuyễn, rồi nặn thủ công thành những miếng chả, kích thước khoảng bằng lòng bàn tay.

Kết hợp thêm một chút gia vị, miếng chả mực sau khi được chiên nóng hổi sẽ có vị vừa mềm, thơm, lại vẫn có sự giòn dai, sần sật của mực. Một suất cơ bản sẽ bao gồm bánh cuốn nhân thịt, hành phi thơm, giòn nóng rắc lên trên, chả mực, ăn kèm nước mắm và một số loại rau thơm, dưa góp để giải ngấy.

Khách Tây thử đặc sản chưa tới 50.000đ ở Hạ Long: Muốn ăn phải xếp hàng, nhận xét "nó thực sự hoàn hảo" - Ảnh 5.

Ảnh Youtube Max McFarlin.

Thực khách có thể gọi số lượng chả mực tùy theo sở thích cũng như nhu cầu, miếng chả mực vừa được nặn và rán tức thì, vì vậy có hương vị tươi ngon, nóng hổi. Ăn khoảng 2-4 miếng chả mực cùng với bánh cuốn là đủ no cho một bữa sáng, bữa trưa.

Bánh cuốn chả mực được đánh giá là món ăn dễ thưởng thức với mọi thực khách. 2 chàng du khách sau khi ăn đã phải trầm trồ nhận xét, mọi thứ ở đây đều hoàn hảo. "Chả mực mềm, thực sự rất mềm, hình như bên trong có cả răng mực nữa nên có một chút vị giòn sần sật. Miếng chả béo ngậy và thậm chí còn ngon hơn nhiều khi chấm với nước mắm", Max nhận xét.

Khách Tây thử đặc sản chưa tới 50.000đ ở Hạ Long: Muốn ăn phải xếp hàng, nhận xét "nó thực sự hoàn hảo" - Ảnh 6.

Nam du khách tâm đắc với miếng chả mực (Ảnh Youtube Max McFarlin).

Những phiên bản bánh cuốn đặc biệt

Trên thực tế, bánh cuốn là món ăn bình dân phổ biến ở nhiều địa phương Việt Nam. Không chỉ xuất hiện ở Hạ Long hay Quảng Ninh, trên nhiều tỉnh thành còn có những phiên bản bánh cuốn đặc biệt khác nữa, đang chờ các du khách khám phá và thưởng thức.

1. Bánh cuốn vùng cao

Một số địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc có phiên bản bánh cuốn vô cùng khác biệt so với các phiên bản bánh cuốn thông thường. Cụ thể, phần nước chấm ăn kèm với bánh cuốn vỏ mỏng, nhân bên trong là thịt băm, mộc nhĩ..., không phải nước mắm. Thay vào đó, đây là một loại nước được lấy từ nước hầm xương heo. Khi tới bàn ăn của thực khách, phần nước chấm này vẫn nóng hổi, có thêm một ít rau mùi, hành lá.

Nhiều người bản địa cho biết, sở dĩ họ sử dụng nước hầm xương nóng để ăn cùng bánh cuốn chứ không phải nước mắm là bởi đặc điểm thời tiết ở vùng cao thường lạnh hơn so với miền xuôi. Vào buổi sáng sớm, thưởng thức suất bánh cuốn có nước nóng hổi sẽ giúp làm ấm cơ thể. Tùy theo khẩu vị mà thực khách còn có thể gọi thêm chả giò để cho vào nước chấm hay măng, ớt...

Ảnh Báo Lao Động.

Các địa phương có kiểu bánh cuốn nước xương trên có thể kể tới như Hà Giang, Cao Bằng hay Lạng Sơn. Với bánh cuốn ở Lạng Sơn, còn có phiên bản bánh cuốn trứng với thịt băm nhuyễn xào đặt lên trên.

2. Bánh cuốn Hà Nội

Bánh cuốn Hà Nội là phiên bản nổi tiếng và được biết tới nhiều nhất. Thực khách có thể tùy chọn bánh nhân mộc nhĩ, nhân hành hay nhân thịt. Tuy nhiên phiên bản được đánh giá là truyền thống nhất của bánh cuốn Hà Nội là bánh cuốn bên trong không có nhân, vỏ bánh được tráng mỏng, mướt mịn, có chút hành phi rắc lên bên trên. Khi ăn, bánh cuốn Hà Nội ăn cùng nước mắm tỏi ớt, chả quế hoặc chả mỡ.

Còn một phiên bản bánh cuốn đặc biệt nữa ở Hà Nội song không phải ai cũng dám thử, đó là bánh cuốn cà cuống. Con cà cuống sẽ được nướng, sau đó cắt nhỏ để thực khách ăn cùng bánh cuống, hoặc dùng để nhỏ tinh dầu vào bát nước mắm chấm. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, tinh dầu cà cuống đem lại vị thơm, dậy mùi, hơi hăng và cay nhẹ cho nước chấm.

Ảnh fuongsfood.

3. Bánh cuốn Hà Nam

Về tới Hà Nam, bánh cuốn được biến đổi, khi ăn sẽ ăn cùng thịt nướng than. Thịt ở đây thường được dùng là loại thịt ba chỉ thái nhỏ, tẩm ướp với một số loại gia vị sao cho có hương vị mặn ngọt hòa quyện.

4. Bánh cuốn Nghệ An

Ở địa phương miền Trung, bánh cuốn thực chất được gọi bằng cái tên khác hoàn toàn, đó là bánh mướt. Bánh mướt cũng được làm từ bột gạo tráng mỏng, tuy nhiên bánh hầu như không được cuốn sẵn nhân bên trong.

Thực khách sẽ chọn phần đồ ăn kèm sao cho phù hợp khẩu vị. Có thể ăn không, chấm trực tiếp với nước chấm, hay ăn cùng chả giò, súp lươn hay cả các loại thịt như thịt vịt, thịt gà, bò hầm hoặc nội tạng heo xào.

Ảnh VTC.

5. Bánh cuốn miền Nam

Cuối cùng là phiên bản bánh cuốn miền Nam, được biến đổi sao cho phù hợp với khẩu vị cũng như nguồn nguyên liệu của địa phương. Người ta sẽ thay chả mỡ, chả quế bằng chả bò hay nem chua. Thực khách khi thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị khác biệt, hòa quyện giữa 2 vị Bắc - Nam ở phiên bản bánh cuốn đặc biệt này.

Comments (0)


Âm Lịch
  • T2
  • T3
  • T4
  • T5
  • T6
  • T7
  • CN

Dương lịch:

Âm lịch:

Ngày:

Tháng:

Năm:

Tiết khí:

Giờ tốt: