Chỉ bước sơ chế đơn giản này, cua ghẹ hấp kiểu gì cũng nguyên con đủ chân càng, màu đỏ au, đặc biệt tăng gấp đôi chất dinh dưỡng trong chúng
2024-07-15 08:28:18
Chỉ bước sơ chế đơn giản này, cua ghẹ hấp kiểu gì cũng nguyên con đủ chân càng, màu đỏ au, đặc biệt tăng gấp đôi chất dinh dưỡng trong chúng GiadinhNet - Hấp cua ghẹ làm sao giữ nguyên chân, nguyên càng cho đẹp mắt được nhiều người quan tâm - bí quyết nằm ngay ở khâu sơ chế, rất đơn giản nhưng ít người biết tới.vợ chồng son, món ăn ngon, chất độc hại, món hải sản, bổ sung dinh dưỡng, cua ghẹ, hấp/luộc cua ghẹ, hấp/luộc, bí quyết, sơ chế, rụng chân càng
Bí quyết hấp cua ghẹ không bị rụng càng, chân
Chồng chị Hà Phương (Hà Nội) rất thích ăn cua ghẹ biển, nên từ ngày ra ở riêng chị rất hay mua về chế biến các kiểu để hai vợ chồng son thưởng thức.
Nhưng lần nào hấp/luộc cua ghẹ xong chị đều buồn ngao ngán bởi dù rất cẩn thận rửa, xếp nhẹ nhàng mà khi hấp/luộc xong bê vào mâm là chân, càng một nơi, thân một nẻo. Đã thế nhiều lần cua ghẹ còn chuyển màu vàng trông chẳng hấp dẫn tí nào, và đương nhiên thịt không chắc, hương vị không thơm ngon, thậm chí mùi tanh và cả mùi lạ khác.
Tuy chồng không nói ra, nhưng tự chị thấy cách chế biến này lãng phí món ăn ngon, giàu dinh dưỡng và ao ước có ngày làm món cua ghẹ thơm ngon như nhà hàng. Và may mắn bạn đồng nghiệp ở cơ quan đã chia sẻ cách hấp/luộc cua ghẹ đảm bảo không rụng càng.
Theo đồng nghiệp, nguyên nhân làm chân, càng cua ghẹ bị rụng là do đem hấp/luộc khi chúng còn sống, nhiệt độ tăng đột ngột khiến chúng giẫy giụa nên chân, càng rụng ra. Bí quyết tránh rụng chân, càng cho cua ghẹ rất đơn giản và nằm ngay ở khâu sơ chế, cụ thể:
+ Cua ghẹ mua về đừng vội đem đi rửa, hay tháo dây ngay. Hãy cho vào túi ni lông, rồi bỏ vào tủ lạnh 1 giờ - việc này giúp cua ghẹ bị hôn mê và yếu đi. Sau đó mới đem ra cọ rửa, chế biến (lưu ý là không tháo dây, và cách này giúp bảo quản cua ghẹ được 3 ngày).
+ Nếu phải chế biến ngay thì mua cua ghẹ về hãy dùng mũi dao (hoặc tăm nhọn) chọc vào miệng chúng (hoặc phần đầu tam giác ở yếm cua, ghẹ cho chúng chết ngay).
+ Khi xếp cua ghẹ vào nồi thì có người đặt úp bụng, có người đặt phần mai xuống dưới cho bụng cua ghẹ ngửa lên trên (để nước ngọt trong cua ghẹ không bị chảy ra ngoài), có người đặt 1 lớp ghẹ nằm ngửa và 1 lớp để nằm úp để chúng bớt giãy làm gãy chân càng.
Sau đó cho một chút nước lạnh ngay từ đầu để hấp/luộc, ghẹ khoảng 10 phút, cua khoảng 15 phút là đủ chín. Cho thật ít nước là để nước không ngập cua ghẹ và không hòa tan với nước trong thân cua ghẹ dẫn tới nhạt thịt, mặt khác khi hấp/luộc bản thân cua ghẹ cũng tiết ra nước để chín.
Khi cua ghẹ chín lấy ra khỏi nồi mới tháo dây buộc, bày ra đĩa, ăn với muối chấm hoặc nước chấm.
Bí quyết hấp tăng gấp đôi chất dinh dưỡng
Một cách khác để cua ghẹ không bị rụng chân, mất càng lại có thể tăng gấp đôi dinh dưỡng (vì không phá hỏng các thành phần dinh dưỡng trong chúng) như sau:
- Ngâm cua ghẹ vào nước để chúng nhả bớt chất bẩn ra ngoài. Sau đó dùng bàn chải cũ chà sạch mai, chân, càng…
- Cho cua, ghẹ vào nồi hấp cách thủy trên lửa lớn và luộc 10-15 phút (tùy độ lớn của cua ghẹ). Khi mở nắp nồi thấy vỏ cua ghẹ đã chuyển màu đỏ báo hiệu đã chín thì tắt bếp và gắp ra đĩa để thưởng thức ngay. Cách này nóng từ từ nên chân, càng không bị rụng, có được màu đỏ hồng tươi tắn, rất ngon mắt khi bày mâm.
Lưu ý là hấp/luộc cua ghẹ cần cho rất ít nước vào nồi, bởi cua ghẹ có rất nhiều nước trong thân nên quá trình hấp/luộc thì nước trong cua ghẹ sẽ tiết ra.
Không nên ăn quá nhiều cua ghẹ một lúc
Một lưu ý quan trọng để món cua ghẹ hấp/luộc ngon miệng là phải chọn mua cua ghẹ tươi. Tuyệt đối không mua cua, ghẹ đã chết, hoặc ăn sống.
Cua, ghẹ nấu chín nếu không ăn ngay mà bảo quản lâu rất dễ sinh vi khuẩn. Vậy nên cua vừa hấp chín ăn là tốt nhất. Nếu không thể ăn hết một bữa, thì cua, ghẹ thừa cần bảo quản nơi sạch sẽ, mát mẻ, thoáng khí và ăn càng sớm càng tốt.
Không nên ăn quá nhiều cua ghẹ một lúc vì đây là thực phẩm có tính hàn, đặc biệt là những người tỳ vị hư yếu mỗi lần chỉ nên ăn 1-2 con.