Không phải lúc nào cũng nên ăn bánh chưng với dưa hành, nhiều người ăn bánh chưng sai cách rước họa vào người
2024-07-15 08:35:10
Không phải lúc nào cũng nên ăn bánh chưng với dưa hành, nhiều người ăn bánh chưng sai cách rước họa vào ngườiGiadinhNet - Bánh chưng về cơ bản không kỵ với món ăn nào, tuy nhiên khi sử dụng nhiều người vẫn hay bị nóng cổ, đó là phản ứng tự nhiên trong tiêu hóa, nếu ăn nhiều không vận động thì gây nên tình trạng như vậy.
Bánh chưng và dưa hành là món ăn dường như không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền tại Việt Nam. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu ăn uống điều độ, sử dụng đúng cách thì đây đều là những món ăn có lợi cho sức khỏe.
Củ hành, củ kiệu muối chua không chỉ là món ăn ngon, mà còn là một vị thuốc trong y học cổ truyền. Hành muối là loại củ tính cay nóng, ấm, do vậy, hành không chỉ giúp tiêu hóa tốt hơn mà còn làm cơ thể nóng ấm lên rất tốt vào mùa đông. Bởi vậy, bánh chưng kết hợp với hành muối không chỉ giúp ngon miệng, mà còn giúp tiêu hóa tốt hơn.
Về mặt dinh dưỡng, bánh chưng là một món ăn giàu năng lượng, chứa đầy đủ các thành phần đường, đạm, béo, vitamin và chất khoáng. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng chỉ ra rằng, một góc bánh (1/8 chiếc bánh) có giá trị dinh dưỡng tương đương ăn một bát cơm đầy với thức ăn.
Trong 100 gam bánh chưng sẽ cung cấp năng lượng là 181kcal; 4,3 gam chất đạm; 4,2 gam chất béo; 31,6 gam chất bột đường; 0,6 gam chất xơ; 26 gam can xi; 0,94 gam sắt; 1,4 gam kẽm. Một miếng bánh chưng cỡ vừa có trọng lượng khoảng 114 gam. Vì vậy, bánh chưng khiến nhiều người ăn có cảm giác no lâu.
Th.S. BS Doãn Thị Tường Vi (Viện dinh dưỡng Lâm sàng) trên một trang báo, cho biết bánh chưng là món ăn cổ truyền của dân tộc. Trong mâm cơm ngày Tết không thể thiếu được món bánh chưng. Đây là thực phẩm được xếp vào nhóm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe nếu biết ăn hợp lý và đúng cách nếu không có bệnh lý đặc biệt.
“Bánh chưng là món ăn rất giàu năng lượng và có nhiều dinh dưỡng như chất béo, đạm, vitamin (nhân thịt), đường… 1/8 góc bánh chưng có giá trị dinh dưỡng của một bát cơm đầy có kèm thức ăn. Bánh chưng là món ăn phù hợp cho người thiếu cân và đang có nhu cầu tăng cân, người mới ốm dậy, người đang cần nhiều năng lượng…”, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi chia sẻ.
Cùng suy nghĩ, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết trên một trang báo, không chỉ khi kết hợp với bánh chưng mà bình thường khi ăn dưa hành, củ kiệu muối chua sẽ cho ta cảm giác ngon miệng hơn.
“Dưa hành hay củ kiệu muối chua là loại thực phẩm lên men từ những vi khuẩn có lợi, đó chính là probiotic. Loại lợi khuẩn này rất tốt cho tiêu hóa, ăn vào đỡ táo bón hơn”, PGS Nguyễn Thị Lâm cho hay.
Dù là món ăn được nhiều người ưa chuộng, nhưng PGS Lâm khuyến cáo người dân khi sử dụng không nên ăn nhiều như rau vì những thực phẩm muối thường hay bị mặn, nếu ăn nhiều sẽ khiến cơ thể thừa muối, không tốt cho tim mạch.
Đặc biệt, trường hợp dưa hành hay củ kiệu muối chua nếu có hiện tượng khú thì nên bỏ ngay. Cũng giống như dưa chua, khi bị khú cũng có nghĩa có vi khuẩn gây hại xâm nhập, nếu ăn sẽ tăng nguy cơ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, thậm chí ung thư.
Ngoài ra, khi kết hợp bánh chưng và dưa hành cũng không vì ngon, “bon miệng” mà sử dụng quá nhiều. Bởi bánh chưng giàu năng lượng, giàu lượng đạm, trong khi dưa hành có lượng muối nhiều nếu kết hợp quá nhiều trong cùng thời điểm sẽ khiến dạ dày tăng tiết dịch vị axit, dễ bị đầy bụng, ợ chua, khó tiêu…
Dưa hành muối ăn kèm sẽ giúp tiêu hóa bánh chưng nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, bánh chưng khá mặn, khi ăn kèm với dưa muối sẽ chứa hàm lượng muối cao, có thể gây tăng tiết a xít dịch vị nếu ăn nhiều. Chính vì vậy, những người thừa cân, cao huyết áp, có bệnh lý về dạ dày, đái tháo đường… không nên dùng nhiều bánh chưng và dưa muối.
Một điều lưu ý khác, hiện nay nhiều gia đình vẫn có thói quen gói bánh chưng với số lượng nhiều để ăn dài ngày trong dịp tết. Việc bảo quản bánh chưng là rất quan trọng vì nếu bảo quản không tốt sẽ dẫn đến mốc, lên men. Tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ aflatoxin từ thực phẩm. Để tránh mốc, bánh chưng nên bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5 - 10 độ C. Khi bánh đã mốc thì không nên sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tiết trời Tết tại miền Bắc thường lạnh, vì vậy một số người có sở thích ăn bánh chưng rán. Bánh chưng khi rán lên hương vị sẽ hấp dẫn, điều này đồng nghĩa với việc sẽ ăn nhiều hơn.
“Bánh chưng đã chứa nhiều chất béo, khi rán trong dầu mỡ, lượng chất béo lại càng tăng. Ăn nhiều chất béo nguy cơ tăng cân và đặc biệt không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận. Đặc biệt người có tiền sử dạ dày không nên ăn bánh chưng rán, có thể làm cho bệnh lý càng nặng hơn. Vì khi bánh chưng rán ăn nhiều khó tiêu gây ra chướng bụng và đầy hơi khó chịu”, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi nói.
Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cho biết, để hạn chế tăng cân do ăn bánh chưng và giảm bớt chất béo nên gói bánh chưng bằng thịt lợn nạc, ngoài ra nên gói những chiếc bánh nhỏ để lượng ăn ít hơn.
PGS Nguyễn Thị Lâm cũng khuyến cáo: “Về cơ bản, bánh chưng phù hợp với tất cả những người bình thường, tuy nhiên người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch… nên hạn chế ăn bánh chưng, đặc biệt là bánh chưng rán”, PGS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo.
Ngoài việc kết hợp củ hành muối với bánh chưng với lượng vừa phải, người dân trong ngày tết cũng nên ăn nhiều loại rau quả, uống thêm nước trái cây, ăn hoa quả để cân bằng dinh dưỡng vì không chỉ bánh chưng, ngày tết thường tiêu thụ rất nhiều chất đạm, chất béo.
Ăn bánh chưng để tốt cho sức khỏe:
– Một ngày chỉ nên ăn 200-400g, bằng 2 góc bánh chia 8.
– Gói bánh bằng thịt nạc.
– Gói các chiếc bánh nhỏ hơn bình thường.
- Không cho muối vào khi gói bánh.
– Hạn chế ăn bánh chưng rán.
– Không ăn bánh chưng khi đã bị mốc.
– Không ăn bánh chưng vào buổi tối.
- Giảm lượng thịt nhân bánh