Xôi ngũ sắc - món đặc sản vùng cao đậm đà bản sắc dân tộc
2024-07-15 08:42:37
Xôi ngũ sắc - món đặc sản vùng cao đậm đà bản sắc dân tộc Xôi ngũ sắc là một món ăn truyền thống của người Việt Nam, đặc biệt là các dân tộc Tày, Nùng. Đây chính là món ăn đặc sản vùng cao được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, vừa thơm ngon mà lại không kém phần bắt mắt.nền tảng hạnh phúc, nền tảng hạnh phúc gia đình và xã hội, đặc sản miền núi, xôi ngũ sắc, đặc sản vùng cao
Món đặc sản vùng cao xôi ngũ sắc có ý nghĩa như thế nào?
Món xôi ngũ sắc là món ăn đặc sản vùng cao được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp kết hợp với các nguyên liệu đặc trưng. Trong đó, để tạo nên màu sắc đẹp mắt mà không dùng phẩm màu thì người dân vùng cao đã sử dụng màu sắc tự nhiên từ các loại hoa quả, rau củ và lá cây nên rất an toàn cho sức khỏe.
Vào các dịp lễ tết, hiếu, hỷ, bạn sẽ thấy xuất hiện món ăn này trong các mâm cỗ. Đa phần trong những dịp này, xôi ngũ sắc sẽ mang tone màu chủ đạo là đỏ, đen, tím, trắng, vàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có thêm các màu sắc khác như xanh dương, xanh lá,... tùy theo nguyên liệu màu sắc của các loại rau, củ, quả, lá cây mà người dân chuẩn bị.
Theo quan niệm của người dân tộc: Màu đỏ là khát vọng sống và ước mơ; màu tím là đất đai trù phú; màu vàng là ấm no và phồn thịnh, bình an; màu xanh là núi rừng, môi trường sống, nương rẫy; màu trắng là tình người như tình yêu, tình thân, tình yêu thủy chung,… Hoặc cũng có khái niệm khác màu của Ngũ hành (Kim (kim loại) – trắng, Mộc (cây cối) – xanh lá, Thủy (nước) – đen, xanh dương, Hỏa (lửa) – đỏ, tím, cam, Thổ (đất) – vàng) thể hiện môi trường sống xung quanh họ chứ không nhất thiết theo đúng thuyết ngũ hành như chúng ta biết.
Những loại rau, củ, quả nào có thể tạo màu được cho xôi ngũ sắc?
Để tạo màu sắc cho món xôi vừa đẹp vừa tự nhiên mà lại đảm bảo an toàn sức khỏe, người dân sẽ chọn những nguyên liệu tự nhiên như: màu xanh lá (lá chuối, lá dứa, lá gừng, lá nếp,...); màu đỏ (cam, gấc,...); màu vàng (nghệ, quả dành dành,...); màu tím (lá cẩm, quả mùng tơi, lá cây cau, lá cơm đen,...); màu đen (nếp cẩm,...);... màu trắng thì để nguyên màu của gạo nếp.
Trước khi đồ xôi, người dân sẽ phải chế lấy nước của các loại rau củ này. Sau đó, đem ngâm gạo nếp với các loại nước rau củ trong vòng ít nhất 4 giờ đồng hồ để cho màu sắc được ngấm vào gạo. Sau khi đủ thời gian ngâm và lên màu, người dân mới bắt đầu mang xôi đi đồ. Để các màu xôi được đẹp nguyên vẹn, mỗi một loại xôi sẽ được đồ trong một chõ riêng để không bị lẫn màu.
Khi xôi chín sẽ được cho vào khuôn để tạo hình và được trưng bày lên đĩa rất bắt mắt. Mỗi loại xôi màu đều có hương vị đặc trưng riêng, tạo nên sự phong phú và đa dạng cho xôi ngũ sắc truyền thống.
Việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để tạo màu sắc cho xôi ngũ sắc không chỉ giúp món xôi được trở nên bắt mắt mà còn tốt cho sức khỏe con người. Chính vì vậy, người dân thường sẽ sử dụng các loại nguyên liệu màu tự nhiên thay vì sử dụng màu hóa chất tổng hợp độc hại.
Có thể nói, món xôi ngũ sắc của người dân tộc khá đa dạng về màu sắc và hương vị. Đối với những người dân tộc vùng cao nói riêng và người Việt Nam nói chung, đây chính là món ăn vừa mang bản sắc dân tộc vùng miền, vừa mang nét đặc trưng về nền nông nghiệp lúa nước Việt Nam.
Nếu có dịp được tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của các dân tộc vùng cao, nhất định nên thử ngay món xôi ngũ sắc đặc biệt này. Ngoài ra, bạn đừng quên thưởng thức thêm các món ăn kèm xôi ngũ sắc như: gà nướng, lợn tên lửa, lạp xưởng hun khói,... Khi được nếm trải nhiều mĩ vị nhân gian sẽ giúp mỗi chúng ra hiểu thêm về sự đa dạng trong nền ẩm thực Việt Nam.