Có một loài bạch tuộc rất đẹp nhưng cực độc, có thể giết người trong ít phút - ai cũng cần biết để tránh ăn nhầm và tránh xa
2024-07-15 08:45:13
Có một loài bạch tuộc rất đẹp nhưng cực độc, có thể giết người trong ít phút - ai cũng cần biết để tránh ăn nhầm và tránh xa "Xin các anh, các chị bán bạch tuộc thấy 1-2 con bạch tuộc như thế này hãy làm ơn đeo găng tay quấn gọn vào túi nilon đen, rồi quăng bỏ, đừng hối tiếc...". Mới đây một facbooker cảnh báo.Bạch tuộc, bạch tuộc đốm xanh, bạch tuộc độc, ăn bạch tuộc, bạch tuộc giệt người, bạch tuộc TTX
Loài bạch tuộc có thể giết người chỉ trong phút chốc.
Mới đây một facebooker cảnh báo: "Người mua không biết, nhưng người bán nhất định phải hay" để tránh tai họa cho người tiêu dùng. Chị chia sẻ: "Nay em nhập hàng về, giở ra kiểm tra mới tá hoả, đeo găng tay nhặt rồi mà nó còn xây xẩm mặt mày lun. May em là dân vùng biển chứ người bình thường không biết thì đúng là năm xui tháng hạn".
Cùng lời cảnh báo là hình ảnh loại bạch tuộc đốm xanh – mà theo chị chỉ cầm, nắm bằng tay không cũng nguy hiểm bởi chất độc TTX ở tuyến nước bọt. Lỡ chẳng may mua về chế biến xào nấu có thể dẫn tới ngộ độc đường tiêu hoá, nhẹ thì tiêu chảy buồn nôn, mà nặng có thể dẫn tới truỵ im, liệt cơ hô hấp và tử vong".
Tìm hiểu mới biết, loại bạch tuộc đốm xanh này rất đẹp nhưng cực độc và đã gây ra nhiều cái chết:
Năm 2017 một phụ nữ trẻ ở Thừa Thiên – Huế trong lúc kéo lưới đánh bắt hải sản đã bị một con bạch tuộc bò lên chân cắn chết.
Bản tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 21-6-2004 đưa tin "sau khi ăn món mực bạch tuộc đốm xanh (mực dái) anh Nguyễn Văn C. phải vào cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Hàm Thuận Bắc và đã tử vong.
Riêng thôn Tầm Hưng ở huyện này đã có 85 trường hợp bị ngộ độc do ăn bạch tuộc đốm xanh phải cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, trong đó riêng trẻ em là 42 ca".
Báo chí cũng đăng tin một nữ du khách Australia đi dạo biển thấy con bạch tuộc xanh đẹp mắt, nhỏ xíu rất dễ thương đã đặt lên lòng tay cho nó di chuyển và quay video, chụp ảnh. Chị đã hãi hùng bởi sau khi video chia sẻ lên mạng nhiều người báo cho biết chị vừa đặt mạng sống vào nguy hiểm vì nâng niu một trong những con vật chết chóc nhất thế giới, và rất may là cô ấy giữ được tính mạng sau khi tiếp xúc khá lâu với bạch tuộc đốm xanh.
Vài nét về chất độc TTX có trong bạch tuộc đốm xanh
Bạch tuộc đốm xanh và rắn hổ mang chúa là những sinh vật có nọc độc nguy hiểm nhất hành tinh - độc tố một vết cắn đủ giết 25 người trong vòng vài phút. Đây là loài sinh vật không dễ bắt gặp nhưng nếu trông thấy thì tốt nhất là tránh càng xa càng tốt.
Chất độc TTX trong bạch tuộc đốm xanh là chất độc thần kinh mạnh, vào máu sẽ ngăn chặn sự di chuyển của các ion natri của tế bào thần kinh. Sau khi bị cắn chừng 1-5 phút nạn nhân xuất hiện triệu chứng nhiễm độc (tương tự ngộ độc cá nóc) gồm: tê dại ở đầu các ngón tay, ngón chân, tê đầu lưỡi, người mệt mỏi rũ rượi có thể kèm với các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn.
Ở thể nặng (do TTX xâm nhập quá nhiều) có thể bị liệt toàn thân, khó thở, huyết áp giảm. Nạn nhân tử vong do trụy tim, liệt cơ hô hấp khiến não thiếu ô xy.
TTX rất bền vững, không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, có thể tồn tại ở nhiệt độ cao khi đã đun nấu hoặc sau khi chết. Chất độc này ở cá nóc tập trung ở gan, trứng, mật. Ở bạch tuộc đốm xanh chất độc này tập trung ở tuyến nước bọt (và các phần mềm khác của thân bạch tuộc), dễ dàng phóng ra qua vết cắn để tấn công, hay tự vệ khi bị đe dọa. Độc tính này rất cao, một con bạch tuộc 25g có thể giết chết 10 người nặng 75kg.
Hiện nay ngộ độc TTX chưa có thuốc phòng và điều trị. Việc cấp cứu chỉ có thể chữa trị theo triệu chứng (như cho uống thuốc điều áp, khi bệnh nhân khó thở thì đặt máy thở…). Do đó khi phát hiện dấu hiệu người bị ngộ độc cần chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để sớm được điều trị.
Dấu hiệu nhiễm độc bạch tuộc đốm xanh
Bệnh nhân bị ngộ độc có thể qua đường ăn uống và đường da (do bạch tuộc cắn). Thời kỳ nung bệnh qua đường ăn uống có thể từ 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn.
Qua đường da, sau 1-5 phút có thể xuất hiện triệu chứng nhiễm độc và có thể tử vong trong vòng 10-20 phút.
Bạch tuộc đốm xanh dễ lầm tưởng là bạch tuộc thường nên con người chế biến các món ăn. Khi bị ngộ độc qua đường tiêu hóa triệu chứng khởi phát từ 10-20 phút sau khi ăn, với các dấu hiệu (tương tự ngộ độc cá nóc): lúc đầu là cảm giác khó chịu, mặt đỏ và xị ra, đồng tử co rồi giãn ra, có thể buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tay chân mỏi rũ, có khi rét run, đầu ngón tay ngón chân tê dại.
Bị trúng độc TTX thường do con người vô ý giẫm phải bạch tuộc đốm xanh và bị nó cắn lại. Vết cắn rất nhỏ, khó có thể nhận biết, nhưng nọc độc ngấm rất nhanh vào máu gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh cơ, rối loạn hoạt động của tế bào, dẫn tới tử vong.
Bị nhiễm độc TTX nặng có dấu hiệu liệt toàn thân, người mềm nhũn, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, sau cùng là liệt cơ hô hấp, ngừng thở, trụy tim mạch và chết.
Hiện chưa có huyết thanh chữa nọc độc của loại bạch tuộc này. Các biện pháp điều trị chỉ mang tính hỗ trợ, như thông khí nhân tạo, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để loại bỏ phần độc tố còn trong ruột. Nếu duy trì được 1-2 ngày, bệnh nhân có thể qua khỏi. Nhưng trẻ em khả năng tử vong cao.
Nhận diện bạch tuộc đốm xanh
Bạch tuộc đốm xanh (Hapalochlaena) phân bố chủ yếu ở khu vực tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương Bắc Úc, phía Tây của Thái Bình Dương - trong đó có biển Đông. Chúng sống ở những vùng biển nước nông, độ sâu dưới 50m như các dải san hô, khe đá, ẩn mình trong vỏ con trai biển, chai lọ hoặc ống bơ vứt xuống dưới biển. Sau khi biển động, hoặc do môi trường sống thay đổi có thể thấy mực đốm xanh ở những nơi khác.
Màu sắc bạch tuộc đốm xanh thay đổi theo môi trường, độ sâu của nước, độ chiếu sáng của mặt trời (từ xanh lục đến nâu đỏ).
Kích thước bạch tuộc đốm xanh dài 6-20cm, có 8 vòi. Thân của 1 con bạch tuộc trưởng thành có thể có tới 60 vòng tròn màu xanh dương – đẹp như hoa văn. Màu sắc xuất hiện sặc sỡ khi chúng bị kích động hay chuẩn bị tấn công.
Để phòng tránh ngộ độc do TTX của Bạch tuộc đốm xanh, người dân cần chú ý:
- Bạch tuộc đốm xanh cảm thấy bị đe dọa sẽ chủ động tấn công – tình huống nguy hiểm này ngư dân, hay người không biết cầm nắm phải là có thể bị cắn.
- Người lặn biển hay đi bơi ở vùng nước có bạch tuộc đốm xanh cũng có thể bị cắn. Vết cắn ban đầu không cảm thấy, vài phút sau mới xuất hiện các triệu chứng tê môi, lưỡi, khó thở… và tê liệt các cơ thở.
- Người dân đi biển, khách du lịch biển cần học cách nhận biết loài bạch tuộc đốm xanh, chú ý đặc biệt đến các đốm xanh sặc sỡ trên thân nó, nếu thấy cần tránh xa.
- Ngư dân đánh bắt hải sản thấy bạch tuộc đốm xanh trong lưới cần tiêu diệt. Không dùng bạch tuộc đốm xanh để làm thức ăn.
- Nên đeo găng tay khi cầm nắm hải sản đánh bắt được trong lưới
Khuyến cáo: Bị bạch tuộc cắn phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.