Quán 'cơm mẹ nấu' kín khách trong nhà, ngoài sân ở Đà Lạt
2024-07-15 08:40:30
Quán 'cơm mẹ nấu' kín khách trong nhà, ngoài sân ở Đà LạtKhông gian bài trí hoài cổ, thực đơn thay đổi từng ngày với hương vị cơm nhà, quán Hồi Nớ quanh năm đắt khách ở xứ sở ngàn hoa Đà Lạt.
Cuối con hẻm dốc trên đường Trần Hưng Đạo, xe tấp nập vào bãi, người nối nhau xếp hàng đã trở thành cảnh tượng quen thuộc mỗi buổi trưa. Ngày mưa cũng như ngày nắng, ngày thường cũng như cuối tuần, hình ảnh ấy chẳng mấy khi thay đổi.
Trước cửa tiệm, người quản lý chạy đôn chạy đáo điều phối, ghi chép tên và lượng người của từng nhóm khách để tiện bề xếp bàn phù hợp. Trước quầy thu ngân, anh chủ quán cũng tính tiền không ngơi nghỉ. Từng nhóm khách đi theo gia đình hoặc đến cùng bạn bè, không ít người đưa theo trẻ nhỏ. Nhanh thì chờ 5, 7 phút; lâu thì đợi 15-20 phút mới được vào bàn; nhưng ai cũng chờ đợi bằng sự kiên nhẫn và vui vẻ.
Chị Trâm cho hay ba năm từ ngày khai trương, quán cơm của vợ chồng chị lúc nào cũng được ưu ái như vậy. Quán mở bán 10h đến 16h mỗi ngày, ngày thường đón khoảng 300 khách và cuối tuần còn đông hơn.
Căn nhà 200 m2 vào giờ cơm trưa luôn kín bàn trong nhà lẫn ngoài trời. Từ 10 bàn lúc mới khai trương, giờ quán có đến hơn 40 bàn, mỗi bàn ngồi được 6 tới 10 khách. Nhờ vậy, thời gian chờ đợi của thực khách giảm đi so với trước đây.
Điểm đặc trưng của tiệm là mỗi ngày có một thực đơn cố định gồm hai món mặn, một món xào, một tô canh và một phần salad, ăn kèm cơm trắng. Lượng đồ ăn mỗi bàn được tính phù hợp số người ngồi quanh bàn ăn. Ngoài ra, thực đơn có thêm một số món phụ để thực khách có thêm lựa chọn bên ngoài combo được chuẩn bị sẵn. Hai thức uống "thương hiệu" của quán là trà tắc và nước rau má.
Menu mỗi ngày được gia chủ đăng tải trên Facebook của quán vào buổi sáng và ghi trên bảng treo trước cửa, để thực khách cân nhắc việc dùng bữa mỗi ngày. Chị Trâm lý giải concept kinh doanh này: "Vợ chồng tôi muốn mang lại cho thực khách cảm giác ăn cơm nhà, cơm mẹ nấu. Giống như mỗi ngày mình về nhà, mình đâu biết trước mẹ sẽ nấu món gì cho mình ăn, mẹ nấu gì mình ăn đó".
Giữa tiết trời càng về chiều càng lạnh, đôi khi lất phất mưa của Đà Lạt, cơm, canh, thịt, cá nóng sốt, khơi dậy cơn thèm ăn từ phần nhìn đến phần vị. Gà kho mềm nhừ, thơm mùi sả. Thịt luộc hao cơm khi quện vị mắm nêm. Canh cá chua dịu, ngọt thanh với phần thịt cá dày và chắc.
Đồ ăn được nêm nếm theo khẩu vị của gia chủ, nấu kiểu đặc trưng miền Trung. Nhưng độ ngọt và độ mặn đều được cân đối vừa phải để dù đến từ đâu, thực khách cũng thấy dễ ăn, vừa miệng. Combo định giá 55.000 đồng/người được làm đầy đặn, có thể là hơi nhiều với những người quen với khẩu phần ăn nhỏ.
Tên quán Hồi Nớ được đặt theo tiếng địa phương Quảng Nam, có nghĩa là hồi ấy, hồi đó. Cái tên này bắt nguồn từ gốc gác của gia đình chồng chị Trâm. Từ quê nhà miền Trung vào TP HCM dạy học rồi lên Đà Lạt sinh sống, bố chồng chị tự tay dựng từng góc của căn nhà này, cách đây 30 năm.
Vốn là dân du lịch, vợ chồng chị Trâm nhận thấy nhiều du khách đến Đà Lạt mong muốn tìm kiếm trải nghiệm lạ và mang tính địa phương. Họ đổi nghề, tận dụng mặt bằng nhà có sẵn với kiến trúc hoài cổ, sửa sang thêm để mở quán.
Không gian sân vườn; cách bài trí tủ, kệ; kiểu dáng bàn ghế; mẫu mã chén đĩa đều gợi nhắc "những năm một chín hồi đó". Góc thu ngân hút mắt khách hàng bởi bày biện hàng loạt vật dụng, đồ chơi gắn bó với tuổi thơ và thời học sinh của thế hệ 8X, 9X, như con lật đật, lọ mực tím, máy điện tử cầm tay bấm nút, ô mai xí muội hoa mai...
Phía sân trong, chủ quán tái hiện một quầy tạp hóa của những năm 1980-1990, làm thành góc chụp ảnh "sống ảo" quen thuộc với nhiều thực khách. Bởi vậy, ghé quán ăn này không chỉ để thưởng cơm hay ăn qua bữa, còn là trải nghiệm một chuyến du hành thời gian về tinh thần.