Ăn bốc không chỉ là "bốc lủm", không hiểu điều này bạn chưa thể tới Ấn Độ!
2024-07-15 08:37:09
Ăn bốc không chỉ là "bốc lủm", không hiểu điều này bạn chưa thể tới Ấn Độ!GiadinhNet - Dù nằm trong châu Á nhưng văn hóa ăn uống của người Ấn Độ rất khác lạ so với các nước khác. Chuẩn mực ăn uống gồm nhiều quy tắc tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng ngặt nghèo và khắt khe khiến nhiều người kinh ngạc.
Ăn uống xác định đẳng cấp
Ở Ấn Độ, quy tắc ăn uống cũng góp phần xác định đẳng cấp của mỗi người.
Những người ở đây được phân biệt bởi chính món ăn họ thưởng thức. Ai có cùng sở thích ăn uống thì sẽ dễ làm quen và thân thiện với nhau. Ngược lại, những ai có thói quen ăn uống khác nhau sẽ khó nảy sinh thiện cảm. Từ đó, một rào cản vô hình đã được thiết lập giữa họ.
Ví dụ điển hình, một gia đình chỉ kết thông gia với người mà họ thấy hợp trong ăn uống. Nếu họ từ chối nhận thức ăn từ một gia đình khác thì đó chính là dấu hiệu báo rằng họ sẽ không chấp thuận bất cứ cuộc hôn nhân nào.
Nghi thức bàn ăn của giới thượng lưu là phải dùng tay phải để đưa thức ăn cho người lớn hơn. Tất cả mọi người dùng tay phải để bốc ăn và dùng tay trái cầm ly nước, riêng phụ nữ có thể ăn bằng tay trái.
Khi ăn, tất cả mọi người phải ngồi ăn, mặt hướng về phía đông thể hiện sự thuần khiết và đáng kính. Không dùng chén đĩa mẻ hay bị bẩn. Bữa ăn được dọn đúng bữa và đủ lượng thức ăn, không quá sớm, không quá muộn và không nhiều thức ăn.
Ở Ấn Độ, những người được xếp vào đẳng cấp cao luôn tự hào về nghi thức trên bàn ăn của họ. Họ thường tránh né những ai thô lỗ trên bàn ăn vì họ cảm thấy không cùng đẳng cấp. Hầu hết, người Ấn thường nhìn vào cử chỉ ăn uống để đánh giá sự hiểu biết và tinh tế của một con người.
Quy tắc ăn bốc không đơn giản là “bốc lủm”
Bị ảnh hưởng bởi Phật giáo và Hồi giáo, người Ấn cho rằng thức ăn chính là do đấng tối cao trao cho và phải được đón lấy bằng tay trần để thể hiện lòng thành kính của mình. Vì thế mà thói quen ăn bốc được xem là quy tắc điển hình trong văn hóa ăn uống của người Ấn Độ.
Tuy nhiên, đừng nghĩ việc ăn bốc thực hiện dễ dàng. Quy tắc ăn bốc bằng hai bàn tay rất nghiêm khắc, đến mức những người thuận tay trái sẽ dùng tay phải bốc khi ăn.
Cụ thể là, trước khi ngồi vào bàn ăn, họ phải rửa tay sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh và thể hiện sự tôn trọng với người ăn cùng. Sau đó, họ dùng tay phải để bốc thức ăn và tuyệt đối không cầm thức ăn bằng tay trái. Bởi tay trái là đại diện cho cái ác, cái xấu, dơ bẩn, còn tay phải chính là lẽ phải, cái thiện và thanh khiết.
Các thức ăn quá lớn không thể đưa vào miệng một lần, họ sẽ bẻ nhỏ chúng ra chứ không cắn. Khi đưa thức ăn vào miệng, họ sẽ cúi mặt xuống để tránh thức ăn rơi rớt. Một điều cấm kị là không được liếm các đầu ngón tay sau khi ăn vì đây là hành động bất lịch sự theo văn hóa ăn uống của người Ấn Độ.
Cần lưu ý, trong bàn ăn nhiều món, đừng bốc mỗi món một ít mà hãy bốc ăn từng món riêng biệt để thể hiện sự trân trọng món ăn. Không ăn quá nhanh hoặc quá chậm, tốc độ ăn rất quan trọng. Đừng ăn bằng tay trái vì đây là hành vi bị xem là dơ bẩn.
Hãy rửa sạch tay trước và sau khi ăn, chú ý rửa sạch các móng tay. Không ăn uống trước mặt người Hồi giáo trong tháng ăn chay Ramadam vì điều này chứng tỏ bạn không tôn trọng họ và bạn sẽ gặp rắc rối nếu phạm phải điều này.
Sau khi ăn xong, đợi những người cùng bàn ăn xong rồi mới đi rửa tay.
Cấm kỵ ăn thịt bò, thịt lợn
Người theo đạo Phật ăn chay là chủ yếu và hạn chế ăn thực phẩm từ động vật. Người Ấn thường chỉ ăn ngũ cốc, gạo, bột mì và không ăn các loại thịt cá, thậm chí họ không ăn các loại củ vì họ cho rằng khi các loại rau củ nhổ lên, các sinh vật sống nhờ vào nó sẽ chết vì không còn môi trường để sống.
Ở đạo Hindu thì bò được coi là linh vật, họ rất coi trọng và tôn sùng bò. Thế nên tới Ấn Độ bạn sẽ không bao giờ có món thịt bò và người Ấn cho rằng ăn thịt bò là có tội với thánh, với linh vật và kẻ đó sẽ bị trừng phạt.
Khác với những người đạo Hindu không ăn thịt bò vì thờ thần bò, người Đạo Hồi kiêng thịt lợn vì chúng bị coi là loại thực phẩm không sạch cho cơ thể. Theo lý luận của những tu sĩ đạo Hồi, thịt heo không sạch sẽ và không tốt cho sức khỏe con người do có quá nhiều mỡ, ăn quá tạp nên chứa nhiều chất độc cũng như vi khuẩn. Môi trường sống của lợn cũng không sạch nên thịt của chúng bị coi là dễ nhiễm các loại bệnh cho con người.
Đất nước của các loại gia vị
Đến Ấn Độ bạn sẽ bất ngờ khi các loại gia vị được bày bán phổ biến. Người Ấn rất chuộng các loại gia vị và chế biến món ăn phải có các loại bột gia vị thì món ăn mới trọn vẹn. Ấn Độ được biết đến là quốc gia sản xuất và tiêu thụ các loại gia vị lớn trên thế giới.
Các loại gia vị phổ biến ở Ấn Độ như: Gia vị hạt thì là, gia vị hạt tiêu, gia vị bạch khấu đậu… Kèm theo các gia vị thô như lá thì là, lá quế, đinh hương, nghệ, rau mùi, nghệ tây, lá nguyệt quế, ớt…
Loại gia vị đặc trưng khi ở Ấn Độ phải kể đến bột cà ri. Đây là loại bột được kết hợp từ loại gia vị khác như: Bột nghệ, hạt mù tạt, bột ớt, hạt thì là, đinh hương. Sự kết hợp của các loại gia vị này tạo nên bột cà ri hấp dẫn, không thể thiếu trong các món ăn càng làm cho ẩm thực Ấn Độ thêm đặc sắc, cuốn hút khách du lịch hơn. Các loại gia vị được sấy khô, rang và nghiền thành bột, trộn đều thành bột cà ri.
Cách thức chế biến món ăn đặc trưng
Cách nấu cơm của người Ấn cũng rất đặc biệt. Trước khi nấu, gạo sẽ được xào qua với dầu hoặc bơ rồi mới đổ nước vào nấu. Khi cơm gần chín, họ sẽ bỏ thêm các gia vị như quế hồi, hạt thì là, tiêu, lá bạc hà… cùng các loại thịt, cá, rau củ quả vào nấu kèm.
Ẩm thực Ấn Độ, các món ăn thường có màu sắc rất rực rỡ, bắt mắt bởi các món ăn được tẩm ướp với các loại bột gia vị. Cách trang trí đồ ăn cũng rất cầu kỳ.