Mùa rươi nhớ món chả rươi của mẹ, nhưng phải làm theo bí kíp này mới ngon tuyệt, không tanh, ăn một lần nhớ mãi
2024-07-15 08:37:07
Mùa rươi nhớ món chả rươi của mẹ, nhưng phải làm theo bí kíp này mới ngon tuyệt, không tanh, ăn một lần nhớ mãiGiadinhNet - Nhiều bà nội trợ làm món chả rươi kêu nhạt nhẽo, chẳng có gì ngon lạ. Đó là vì họ không biết 2 bí kíp chính để làm nên món chả rươi ngon tuyệt, ăn một lần là nhớ mãi. sông Thái Bình, Rượu nếp cái, gió heo may, chả rươi, Mùa rươi, rươi tươi, rán rươi, vỏ quýt
Mỗi độ heo may là những cánh đồng lúa mùa đã gặt hết chỉ còn trơ lại những gốc rạ - cũng là ngày con nuớc thì mùa ruơi bắt đầu vào vụ.
Mùa heo may cũng chớm mùa rươi vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch. Có câu "Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng 5) chỉ mùa rươi đến ở các vùng nước lợ phía Bắc dọc sông Thái Bình như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, TP. Hải Phòng và quê tôi Kim Sơn (Ninh Bình). Những phiên chợ rươi đầu tiên mẹ tôi thường đi chợ rõ sớm chọn mua những mớ rươi mới đầu mùa tươi roi rói… Mẹ bảo muốn có được món rươi ngon thì điều tiên quyết là nguyên liệu phải tươi, đặc biệt là mua rươi tươi.
Rươi tươi còn khỏe có màu xanh nhạt (thả vào nước sẽ bơi rất nhanh), mua về rửa sơ thả vào khay/chậu nông với chút nước sạch có thể giữ sống lâu hơn. Ngày nay có tủ lạnh nên chỉ việc rửa sạch rươi rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh vài giờ rươi vẫn tươi.
Rươi yếu ngả màu nâu đỏ. Rươi mới chết có màu xanh đậm ngả sang đen - đều ăn không ngon như rươi tươi.
Tính từ thời điểm người xúc rươi, hớt rươi rồi đem ra chợ bán thì rươi đã sống trong lớp nhớt tiết ra vài giờ, đang bị yếu dần và nhiều con có thể đã chết. Bởi vậy mẹ tôi phải đi mua rươi tươi thật sớm. Khi chợ đã vãn thì phải hớt lớp rươi trên để chọn những con rươi còn khỏe, chưa ươn, nhưng mua rươi lúc này đã có những con rươi ươn rồi.
Từ rươi, có thể chế biến thành rất nhiều món: rươi nấu củ cải, rươi hấp, rươi xào lá gấc, rươi xào lá gừng, rươi nấu khế, rươi xào lá sắn non, mắm rươi... thức nào cũng ngon. Nhưng anh em tôi thì mê tít món chả rươi mà bà ngoại và mẹ tôi tốn nhiều công sức chế biến đặt vào mâm cơm cúng ông ngoại.
Chả rươi (còn gọi là rươi đúc trứng), là một trong những món chả rán đặc biệt rất ngon và lạ miệng từ những nguyên liệu thông thường như thịt lợn nạc dăm xay nhuyễn, trứng gà, hành hoa, thìa là… có thêm lá chanh, lá lốt thái chỉ để gia tăng hương vị và không thể thiếu nguyên liệu chính là rươi tươi.
Có một thứ gia vị nếu thiếu là món rươi sẽ nhạt nhẽo, vô vị - đó là vỏ quýt (tươi hoặc khô) thái chỉ. Có vỏ quýt món chả rươi thơm ngon hơn, đẹp hơn như một bản hòa tấu hương vị thiên nhiên của đất trời. Vỏ quýt còn là vị thuốc đông y chống đầy bụng, khó tiêu cho những món ăn giàu dinh dưỡng như rươi.
Rươi tươi sống, làm sạch, sau đó, cho trứng, thịt lợn băm nhỏ, các loại nguyên liệu thái nhỏ, tất cả đánh nhuyễn. Mùi vỏ quýt cay cay hăng hăng át hết mùi tanh của rươi, khiến con rươi tự vỡ và tứa ra bột rươi. Những cây thìa là xanh ngắt, vài ba lát ớt đỏ tăng thêm hương vị món ăn.
Việc rán ruơi có nhiều cách. Ngon nhất là dùng nồi hấp lót lá lốt, rồi cho các hỗn hợp đánh nhuyễn vào hấp, rồi phi thơm hành mỡ bỏ miếng chả rươi hấp vào rán tới nóng giòn, thơm nức mũi. Bày vào đĩa món chả rươi bên ngoài là lớp áo vàng ruộm, nhưng bên trong miếng chả rươi vẫn mềm, ngọt đậm, tỏa hương thơm ngào ngạt, hấp dẫn từ xa.
Tùy nhà mà gia giảm, phối trộn các loại nguyên liệu. Nhưng mẹ tôi thường làm lượng rươi gấp 3 lần lượng thịt, và cứ 0,5 kg rươi đập vào 3 - 5 quả trứng. Mẹ tôi bảo lượng thịt càng nhiều thì chả rươi càng cứng, ít thịt thì miếng chả rươi mới mềm.
Món chả rươi thường ăn nóng (ăn ngay sau vớt từ chảo ra), chấm với nước mắm pha chanh, ớt, hạt tiêu bột. Cắn miếng chả rươi phải cảm nhận được nguyên độ ngậy của rươi. Tháng Mười trời se se lạnh, nhiều hôm mưa gió dầm dề, ngồi nhà mà ăn món chả rươi, có chút rượu nếp cái hoa vàng nút lá chuối khô đưa cay thì bao nhiêu rươi cũng hết.
Với người không uống rượu thì chả rươi là món ăn chơi kèm với rau sống chấm với nước mắm pha chanh (quất) ớt. Món ăn vừa ngậy béo vị rươi, vừa thơm hương tinh dầu vỏ quýt, thìa là, nhai giòn giòn... quả thật không gì thú bằng.
Nay bà ngoại và mẹ tôi đều đã rời cõi tạm. Tôi cũng ly huơng hơn nửa đời nguời. Thân nơi viễn xứ, nhưng mỗi khi gió heo may về ký ức thuở xưa với những kỷ niệm ấu thơ lại ùa về. Nhớ lắm, ngày xưa ơi....
Công thức làm món chả rươi ăn không ngấy
Nguyên liệu
- Rươi tươi: 400g (chọn con rươi to béo thịt sẽ thơm ngon hơn, nhất là rươi ở vùng đất Tứ Kỳ (Hải Dương)
- Thịt nạc vai: 200g (chọn nạc lẫn mỡ để chả không bị khô)
- Trứng gà: 2 quả
- Vỏ quýt, hành lá, rau mùi, thìa là, lá lốt
- Gia vị: mắm, muối, tiêu, ớt
Cách làm
- Cách rửa rươi: Đun nồi nước sôi, để nguội bớt (khoảng 70-80 độ C) thì thả rươi vào để rươi rụng hết lông, vớt ra để ráo nước, cho vào âu to.
- Thịt lợn nạc giắt mỡ xay/băm nhuyễn.
- Vỏ quýt thái sợi nhỏ. Hành, mùi, lá lốt rửa sạch thái nhỏ. Hành khô băm nhỏ.
– Cho 1/2 vỏ quít vào rươi và dùng đũa đánh vừa phải cho hỗn hợp hòa quyện (không đánh mạnh sẽ nát, ăn chả sẽ mất ngon. Trộn hỗn hợp rươi, thịt, vỏ quýt, rau gia vị, trứng gà và chút gia vị.
- Hấp chả rươi trước khi rán để giữ hương vị ngọt của rươi cùng các nguyên liệu. Nên lấy lá chuối, hoặc muốn thơm hơn thì lót lá lốt vào xửng hấp. Múc từng thìa hỗn hợp rươi cho vào chảo dàn dẹt, mỏng. Hấp 10-15 phút là chín tới, lấy ra để nguội.
– Cho dầu vào chảo đun nóng già thì thả từng viên chả rươi hấp vào rán, chú ý lật đều 2 mặt. Khi mặt chả ngả màu vàng thì vớt ra bỏ vào đĩa lót giấy báo cho ráo dầu.
– Gắp rươi ra đĩa, ăn cơm nóng, hay bún rối với rau sống.
Lưu ý:
– Bí kíp làm nên món rươi ngon đầu tiêu là phải mua rươi tươi chính vụ (nếu trữ đông đá thì khi ăn để rã đông tự nhiên). Không đánh rươi quá nát vì chả rươi sẽ mất ngon.
- Bí kíp thứ hai là nhất định phải có vỏ quýt, thiếu là món chả rươi mất ngon, nhạt nhẽo.
– Bí kíp nữa là không rán chả quá cháy vàng vì ăn sẽ khô. Miếng chả rươi ngon phải còn mềm, cắn vào là vị thơm ngậy tan nơi đầu lưỡi, quyện hương thơm nồng của vỏ quýt và các loại gia vị.
Bài và ảnh: Vũ Thuyết Hùng
(Ninh Bình)